Biểu diễn áo tắm giữa đường phố của cuộc thi hoa hậu Trung Quốc
Các cuộc thi hoa hậu ở Trung Quốc ngày càng đi xuống về chất lượng. Nhiều người đẹp sau khi đăng quang bị công chúng ngó lơ, không tìm được chỗ đứng.
Tại Trung Quốc, các cuộc thi nhan sắc là đích nhắm của nhiều cô gái đến tuổi trưởng thành.
Năm 2016, Vương Hiểu Tình, sinh viên sắp tốt nghiệp trường University of Warwick tại Anh, đăng ký tham gia cuộc thi nhan sắc Hoa hậu Hoàn vũ Trung Quốc. Nhan sắc thanh tú, khí chất tao nhã và lối tư duy cởi mở, thông thái giúp người đẹp giành được danh hiệu Á hậu 2. Trang mới cuộc đời của Hiểu Tình mở ra từ đây.
Danh hiệu hào nhoáng nhưng bị xem nhẹ
Sau khi đạt được danh hiệu tại Hoa hậu Hoàn vũ, Vương Hiểu Tình có 9 tháng sống trong chuỗi ngày hoàng kim. Từ một sinh viên vô danh, Hiểu Tình trở thành người đẹp được công chúng chú ý, truyền thông săn đón tại các sự kiện.
"Mỗi ngày đều xuất hiện với diện mạo đẹp nhất, phong thái chuyên nghiệp, cẩn thận từ hành động cho đến lời ăn tiếng nói, đó là công việc của một á hậu", Vương Hiểu Tình cho hay.
Vương Hiểu Tình chỉ có thể duy trì được sức hút trong nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, hào quang của người đẹp chỉ duy trì trong hơn 270 ngày, rồi vụt tắt. Sau khi hết nhiệm kỳ, cái tên Vương Hiểu Tình không còn được quan tâm. Cô trở về Anh sống cuộc đời của người bình thường.
"Hành trình hoạt động nghệ thuật của tôi tựa như một đóa hoa. Hôm nay nở đấy, nhưng mai lại tàn", Hiểu Tình chia sẻ.
5 năm trở lại đây, thế hệ đàn em của Hiểu Tình ở các đấu trường nhan sắc tại Trung Quốc như Hoa hậu Thế giới Trung Quốc 2017 Quan Tư Vũ, Hoa hậu Hoàn vũ Trung Quốc 2017 Tần Mỹ Tô, Hoa hậu Thế giới Trung Quốc 2018 Mao Bồi Nhị mất hút trong showbiz. Họ không nhận được bất kỳ lời mời đóng phim hay dự sự kiện nào. Tên tuổi cứ như vậy nhạt nhòa giữa muôn vàn mỹ nhân của giới giải trí.
Hoa hậu Thế giới Trung Quốc 2019 - Lý Bội San chiếm được nhiều tình cảm của công chúng. Tuy nhiên, danh tiếng và sự nghiệp của người đẹp này không mấy khởi sắc sau khi đăng quang.
Với danh hiệu hoa hậu cộng với tiếng tăm có được trong thời gian làm người mẫu trước đây, không ít người cho rằng cô sẽ dễ dàng dấn thân vào showbiz và trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, sau hơn một năm đăng quang, người đẹp họ Lý không để lại bất kỳ dấu ấn nào.
Ngoài tham dự các hoạt động do ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Trung Quốc sắp xếp, Lý Bội San gần như không được bất kỳ thương hiệu nào mời tham dự sự kiện, chụp ảnh hay đóng quảng cáo. Điều này khiến tên tuổi của cô trở nên mờ nhạt.
Lý Bội San vắng show sau ngày đăng quang Hoa hậu Thế giới Trung Quốc.
"Hoa hậu luôn bị đánh giá là những đóa hoa đẹp, chỉ để ngắm nhìn cho thỏa mắt. Phần lớn các người đẹp hậu đăng quang, nếu không có thành tích nổi bật ở đấu trường nhan sắc tầm cỡ quốc tế hay tài năng nghệ thuật, đều sớm hết thời. Ngoài danh hiệu hoa hậu, á hậu họ chẳng là ai trong giới, nhanh chóng bị quên lãng", Sina bình luận.
Ồ ạt các cuộc thi kém chất lượng
Theo Sohu, tại Trung Quốc, số lượng các cuộc thi hoa hậu gần như không thống kê đầy đủ. Mỗi tỉnh, thành phố lại có hàng chục đấu trường nhan sắc để những mỹ nhân có tham vọng đổi đời thi thố.
Những cuộc thi hoa hậu với tên gọi mang tầm quốc gia, châu lục, quốc tế, hoặc toàn cầu, thậm chí cấp tỉnh, làng, xã mọc lên "như nấm sau mưa". Ngay đến cả người trong giới cũng thấy loạn vì có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp.
Các cuộc thi hoa hậu ở Trung Quốc không còn được công chúng quan tâm.
Sina đánh giá những năm gần đây, các cuộc thi sắc đẹp không còn nhận được sự ưu ái từ công chúng. Số lượng nhiều, nhưng quy mô và chất lượng của đa số cuộc thi chỉ ở tầm ao làng. Đây là nguyên nhân khiến danh hiệu hoa hậu bị coi rẻ và không còn nhiều ý nghĩa. Bản thân cuộc thi nghiệp dư này cũng "sớm nở tối tàn".
Năm 2017, khán giả từng không khỏi ngán ngẩm khi chứng kiến 39 thí sinh Hoa hậu Trung Quốc mặc bikini sải bước tại trung tâm mua sắm Kowloon, Hong Kong. Hay các thí sinh tham gia cuộc thi Hoa khôi được tổ chức tại Tế Nam phải trình diễn trang phục áo tắm giữa trời đông tuyết.
Các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế Trung Quốc bắt buộc phải tham gia diễu hành trên phố trên phố trong trang phục kiệm vải.
Sân khấu được dựng đơn giản, các cô gái mặc bikini đứng nép mình vào phía sau phông quảng cáo giữa đám đông hiếu kỳ, những hình ảnh ngay lập tức gây ra tranh cãi. Phần lớn ý kiến nhận định cuộc thi đã hạ thấp hình ảnh của vương miện khi gây chú ý theo cách này.
Thực tế, hình ảnh các mỹ nữ Trung Quốc mặc trang phục hai mảnh, tạo dáng trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả trên phố, giữa trung tâm thương mại trong mọi điều kiện thời tiết, nhiều năm qua không còn xa lạ với khán giả đất nước tỷ dân. Bất chấp sự lên án dữ dội của truyền thông lẫn khán giả, công tác tổ chức kém đẹp này vẫn diễn ra nhan nhản.
Năm 2018, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế Trung Quốc từng bị dư luận tẩy chay dữ dội khi để dàn thí sinh diễu hành trên phố trong trang phục bikini.
Theo Ifeng, nguyên nhân chính khiến các cuộc thi sắc đẹp trở nên bát nháo, tổ chức vô tội vạ và coi thường thí sinh, xuất phát từ sự lỏng lẻo của chính quyền. Cơ quan quản lý lơ là trong việc kiểm soát nội dung chương trình. Trong khi đó, ban tổ chức lại cần thu hút người xem và báo chí để kiếm thêm nhà tài trợ.
"Mục đích của đơn vị tổ chức không đơn thuần là tôn vinh cái đẹp. Danh hiệu hoa hậu ngày nay bị thương mại hóa. Xuất hiện nhiều biến tướng gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa", Sina bình luận.
Khó trong việc giữ hình ảnh của hoa hậu, á hậu
Không chỉ vậy, sau khi đăng quang, một số người đẹp cũng không có trách nhiệm giữ gìn uy tín của danh hiệu, thậm chí còn thoải mái thể hiện lối sống trác táng khiến hình ảnh của cuộc thi lao dốc không phanh.
Nhiều năm về trước, nhắc đến La Tử Lâm và Triệu Nhã Kỳ, công chúng sẽ dành lời khen tặng mỹ miều cho hai nàng hậu. Thế nhưng, những lời có cánh ấy đã nhanh chóng tan biến khi bê bối tình ái, giật chồng cướp bồ của họ phơi bày trên khắp mặt báo.
La Tử Lâm sau bê bối cướp bồ tỷ phú của ân sư Naomi Campbell, giờ bị khán giả trên chính quê hương gọi là nỗi ô nhục, tội đồ làm xấu mặt giới hoa hậu, người mẫu Trung Quốc. Không ít người còn yêu cầu ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Trung Quốc tước vương miện của La Tử Lâm vì thiếu nhân cách.
Trong khi đó, Triệu Nhã Kỳ đăng quang Hoa hậu Du lịch Trung Quốc năm 2009, bị công chúng tẩy chay đến nỗi phải giải nghệ sớm vì ngoại tình với tay vợt cầu lông Lin Dan.
La Tử Lâm và Triệu Nhã Kỳ là hai hoa hậu bị ghét bỏ ở Trung Quốc.
"Danh hiệu hoa hậu ở Trung Quốc ngày càng mất giá. Công tác tổ chức nghiệp dư chạy theo lợi nhuận, khâu tuyển chọn sơ sài và scandal đời tư bủa vây khiến người chiến thắng không nhận được sự quan tâm của công chúng", Sina nêu lên thực trạng.
Theo giới chuyên môn, vài năm qua, các cuộc thi nhan sắc dù nỗ lực giữ gìn hình ảnh của thí sinh và cuộc thi, không để ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu lẫn uy tín của chính người đẹp nhưng chưa đạt hiệu quả.
"Với những cuộc lớn, chính thống các cam kết giữ gìn hình ảnh được thực hiện với thái độ nghiêm túc. Nhưng với các cuộc thi nhan sắc ao làng, hoạt động quản lý của ban tổ chức đối với thí sinh rất lỏng lẻo, dễ phát sinh ra các sự cố gây ảnh hưởng xấu đến xã hội", Sina bình luận.
Không có nhận xét nào